Xử Lý Những Vấn Đề Phát Sinh Khi Dùng Thiết Bị D-Com 3G của Viettel

 
      Khi kết nối Internet cho máy tính bằng thiết bị D-Com 3G của Viettel và sử dụng, bạn sẽ có các nhu cầu: chuyển đổi gói cước, kiểm tra tài khoản, nạp tiền vào tài khoản, xem lưu lượng đã dùng, gửi tin nhắn... Bên cạnh đó là các sự cố, không cài được driver và phần mềm kết nối D-Com 3G vào máy tính, chương trình diệt virus phát hiện chương trình D-Com 3G có file bị nhiễm virus, thiết bị quá nóng... Các kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn xử lý nhanh chóng các vấn đề trên.

1. Kích hoạt thuê bao
Nếu bạn mua thiết bị D-Com 3G nhưng chưa sử dụng ngay, hãy lắp SIM dùng cho thiết bị D-Com 3G đó vào điện thoại di động và bấm số 900 rồi bấm nút gọi để kích hoạt thuê bao. Nếu không, sau 24 giờ mua thiết bị, thông tin thuê bao mà bạn đã đăng ký ở cửa hàng Viettel sẽ bị hủy. Lúc đó, phần mềm D-Com 3G sẽ hiện thông báo “Không tìm thấy thiết bị” hay “Lỗi kết nối”, bạn phải đem SIM đó ra cửa hàng Viettel để đăng ký lại thông tin thuê bao. Ngoài số 900, bạn không thể dùng SIM này để gọi cho số khác, vì nhà mạng đã chặn dịch vụ thoại.
Hoặc sau khi cắm thiết bị vào máy tính và cài xong phần mềm D-Com 3G, bạn chạy phần mềm này rồi bấm nút Thoại, dùng chuột bấm số 900 rồi bấm nút Gọi. Đến khi nghe được thông báo phát ra loa, bạn bấm nút Gác máy rồi bấm số 900 để gọi lại lần nữa và nghe số tiền trong tài khoản.

2. Kiểm tra số dư tài khoản và nạp tiền
Nếu đang dùng gói cước trả trước, sau khi hết số MB hay GB lưu lượng miễn phí (nếu có), số tiền trong tài khoản D-Com 3G sẽ bị trừ dần theo số MB sử dụng. Để kiểm tra số tiền trong tài khoản, bạn bấm nút Thoại, dùng chuột bấm số 900 rồi bấm nút Gọi, sau đó bấm số 2, xong bấm nút Gác máy. Còn để nạp tiền vào tài khoản, bạn bấm số 1 thay cho phím số 2 rồi nhập mã số nạp trên thẻ cào theo hướng dẫn phát ra loa máy tính.
Trường hợp không có loa, bạn bấm nút Menu, chọn USSD; bấm ô Đã chọn rồi bấm chọn hàng chữ Kiểm tra tài khoản chính để kiểm tra tài khoản chính, bấm chọn hàng chữ Kiểm tra tài khoản khuyến mãi để biết số tiền trong tài khoản khuyến mãi, hoặc bấm chọn hàng chữ Nạp tài khoản rồi bấm dãy số trong thẻ cào nạp tiền vào sau ô mã đang có sẵn các ký tự *100*, nhập hết mã số trong thẻ nạp, bạn bấm phím # rồi bấm nút OK. Sau khi nạp xong, bạn hãy thực hiện lại thao tác kiểm tra tài khoản chính và tài khoản khuyến mãi.


3. Gửi tin nhắn từ phần mềm D-Com 3G
Bạn bấm nút SMS rồi bấm nút Tạo tin mới, nhập số điện thoại người nhận vào ô Đến rồi soạn nội dung tin nhắn là tiếng Việt không dấu vào ô trống bên dưới. Khi soạn tin nhắn, bạn sẽ thấy dãy ký tự dạng x/y/z thay đổi dần; trong đó, x là số ký tự trong tin nhắn, y là số ký tự còn lại của 1 bản tin nhắn, z là số bản tin nhắn.
Nếu thực hiện nhắn tin, bạn không nên soạn tin nhắn dài gồm nhiều bản tin, bởi có thể điện thoại người nhận sẽ không nhận hết bản tin (điện thoại mới nhận tối đa tin nhắn dài 6 bản tin, trong khi các điện thoại đời cũ chỉ có thể nhận được tin nhắn có độ dài từ 1 - 2 bản tin). Hơn nữa, không nên soạn tin nhắn bằng tiếng Việt có dấu, hoặc copy nội dung là tiếng Việt có dấu để dán vào cửa sổ soạn tin nhắn, vì nhiều khả năng là điện thoại của người nhận không đọc được tin nhắn tiếng Việt có dấu.
Mỗi bản tin gửi đi từ phần mềm D-Com 3G sẽ bị trừ 500 đồng trong tài khoản (hoặc cộng dồn vào tiền cước phát sinh trong tháng đối với thuê bao trả trước). Do vậy, nếu bạn soạn 1 tin nhắn dài 3 bản tin thì tài khoản sẽ bị trừ 1.500 đồng sau khi gửi tin nhắn. Trong khi đó, mức cước cho 1 MB dữ liệu sử dụng là 50 đồng hoặc 65 đồng. Như vậy, nếu gửi 1 tin nhắn từ phần mềm D-Com 3G, bạn sẽ bị mất đi khoảng 10 MB lưu lượng Internet sử dụng. Ngoài ra, khi người nhận nhận được tin nhắn và trả lời lại thì có thể tin nhắn trả lời sẽ không “chui” vào được phần mềm D-Com 3G. Sẽ càng tồi tệ hơn nếu bạn dùng phần mềm D-Com 3G gửi tin nhắn ra mạng di động của nước ngoài, bởi mỗi bản tin sẽ bị trừ 2.500 đồng.

4. Chuyển hình thức thuê bao và giữ số
Nếu đang dùng gói thuê bao trả sau nhưng có cước phí thuê bao quá cao và không dùng hết lưu lượng miễn phí, bạn có thể chuyển xuống gói cước có thuê bao thấp hơn và lưu lượng miễn phí tương ứng cũng ít đi. Hoặc ngược lại, bạn chuyển từ gói cước thấp sang gói cước cao trong trường hợp cần thêm lưu lượng miễn phí hàng tháng cho vừa nhu cầu sử dụng. Trong từng thời điểm, Viettel thường có chương trình khuyến mãi (tặng lưu lượng dùng miễn phí trong tháng) khác nhau cho từng gói cước. Do vậy, nếu việc chuyển đổi gói cước không được hưởng khuyến mãi thì bạn hãy hủy gói cước cũ để đăng ký dùng gói cước mới cùng chương trình khuyến mãi kèm theo.
Còn nếu đang dùng hình thức thuê bao trả sau nhưng lại ít sử dụng, bạn có thể chuyển sang hình thức thuê bao trả trước để tiết kiệm về mặt chi phí. Khi đó, căn cứ vào chương trình khuyến mãi đang áp dụng, bạn chọn cách chuyển đổi hình thức thuê bao, hoặc hủy thuê bao trả sau và mua bộ kit (gồm SIM và tài khoản) sao cho có lợi nhất.
Đối với thuê bao trả sau, sau 60 ngày không thanh toán cước, bạn sẽ bị chặn dịch vụ và có thể bị hủy số sau đó.
Đối với thuê bao trả trước, 10 ngày sau khi tài khoản hết hạn sử dụng, thuê bao sẽ bị khóa 2 chiều. Và đến 60 ngày sau, thuê bao đó sẽ bị hủy. Do vậy, nếu dùng D-Com 3G theo hình thức trả trước, bạn phải nạp tiền (không quy định số tiền nạp, có thể nạp mức thấp nhất là 10.000 đồng) vào tài khoản trước ngày thứ 70 thì thuê bao không bị hủy. Khi dùng theo hình thức này, số tiền trong tài khoản của bạn có thể còn khá nhiều nhưng đã hết hạn sử dụng; do vậy, bạn hãy mua sẵn những giấy nạp mệnh giá 10.000 đồng (hỏi các nơi bán thẻ cào nạp tiền điện thoại, hoặc dùng thẻ ATM để mua - máy ATM sẽ in mã số nạp tiền vào hóa đơn giao dịch) để khi cần dùng thì nạp tiền vào.
Việc giữ số ở thuê bao dùng trong D-Com 3G cũng không thật cần thiết, bởi bạn có thể đăng ký mua lại thuê bao khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi cần dùng D-Com 3G nhưng số thuê bao đã bị hủy và không thể đăng ký mua ngay được thì bạn sẽ thấy được tác dụng của việc giữ số thuê bao. Hơn nữa, mỗi số chứng minh nhân dân chỉ đăng ký được 3 thuê bao của một nhà mạng di động.

5. Xem lưu lượng đã dùng
Bạn bấm nút thống kê và bấm vào thẻ Dữ liệu truyền để biết lưu lượng đã dùng trong ngày, tháng hoặc năm. Sau một phiên sử dụng, lưu lượng đã dùng (bao gồm tải lên và tải xuống) sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu lưu trên máy tính người dùng, bạn bấm thẻ Bản ghi dữ liệu để xem. Do vậy, nếu xóa cơ sở dữ liệu hoặc đem thiết bị D-Com 3G sang máy khác dùng thì sẽ không thấy được lượng dữ liệu đã dùng.
Căn cứ vào thống kê lưu lượng tải xuống và tải lên (cộng 2 giá trị này và so với 1 MB ứng với mức giá 50 đồng hay 60 đồng) sau khi vào một trang web, bạn có thể tính ra chi phí để xem một trang web. Hay 1 giờ lướt web, hoặc gửi (hoặc tải) một file có dung lượng biết trước.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

---
- Để trách tình trạng NHẬN XÉT quá nhiều làm cho trang web quá dài, các bạn vui lòng góp ý thông qua FACEBOOK bên trên nhé. Thanks!